Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

ĐƯỜNG VĂN bình bài thơ TA DÌU NHAU ĐI HẾT CÕI ĐỜI NÀY


( cop từ  VĂN ĐÀN BNN)
TA DÌU NHAU ĐI HẾT CÕI ĐỜI NÀYn

Thơ Hạt Cát Diệu Sinh
Lời bình: Đường văn

Dựa vào vai tôi, mình ạ.
Nắm chặt tay tôi, mình ạ.
nào cùng đi, mình nhé!
như ngày nào ta dung dẻ, dung dăng..       
   
Mình nhìn xem: 
lá lúa trăng
đậu trên mái tóc mình óng bạc.
Kìa kìa:
lưng trời cánh hạc
rủ chúng mình cưỡi gió cùng bay.

Mình ơi,
sáng nay
nắng hồng đọng trên môi mình.
Thật đó!
cặp môi ngày nào mọng đỏ 
cả đời tôi trộm khát khao.


Mình ơi, ngàn vì sao
không có ngôi nào trong như mắt mình đâu nhé!
không có ngôi sao nào nồng nàn như thế!
như đôi mắt đen tròn sưởi ấm suốt đời tôi.

Nào mình ơi, khoác tay tôi
mang thêm chiếc áo dài ấm mỏng
chiều Tết này người vắng
tôi đưa mình dạo phố xá thân quen.
tôi đưa mình về tuổi thơ bình yên
kỷ niệm thời cắp sách
ta nghịch đùa nơi vườn hoa bóng mát
nhặt búp đa, ngắm lá hoa bay
ngắm Cột cờ* vòi vọi trong mây.
cười nắc nẻ đuổi hoa bắt bướm...

Qua rồi, mình ơi
chộn rộn
tháng ngày đói khổ
tháng ngày gian lao
qua máu đào
qua lửa đỏ. 

.... Đủ cánh lông
chim ra ràng 
rời tổ.
Còn lại Mình và Tôi

Mình của Tôi
còn đây.
Mình của Tôi
trọn vẹn.
Ta dìu nhau đi hết cõi đời này..
                                                                                                                                

12-02-2011
Thơ Hạt Cát/ Blog cùng tên

TÌNH CA U70
ĐƯỜNG VĂN

Thu đang tàn. Trời đầy mây xám, âm u. Khí đêm lành lạnh luồn qua khe cửa sổ, rập rờn quanh phòng như muốn trêu ngươi người thơ nhọc nhằn khó ngủ, chợt tỉnh giấc lúc nửa khuya, một mình vò võ. Mùa đông Đinh Dậu đang nhớm nhớm về, càng trở nên hiu hắt, hanh hao hơn đối với những lão ông, lão bà tròm trèm U70, 80... Trong cái đầu đã bắt đầu xơ nhão, hoài niệm cứ bập bỗng, chập chờn... Bỗng vang lên đâu đây giai điệu ngọt ngào, đắm đuối bài Người tình mùa đông. Và kỳ lạ, khó hiểu làm sao, lời ca dặt dìu, êm êm và day dứt lại chính là lời thơ bài Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này của bạn thơ Hạt Cát Diệu Sinh (Bùi Cửu Trường – ái nữ của nhà thơ, nhà thư pháp lừng danh đất Thăng Long: Bùi Hạnh Cẩn)?! 
Không thể đặng đừng, tôi vùng dậy, bật máy tính, vào file, đọc lại bài thơ từng đồng cảm, yêu thích, đã copy vào computer, laptop của mình. Lần này đọc kỹ, thấy cảm xúc không chỉ giống như lần đầu mà cơ hồ có phần sâu đậm hơn, ám ảnh hơn. Hạt Cát là một người nữ làm thơ tài tử. Hình như nghề chuyên môn chính của chị trước đây là bác sỹ? Vì thế, bài thơ này, theo tôi, tựa như 1 phương thuốc hay, quý, lại giản dị, dễ tìm, rất công hiệu, dùng để chữa cho những ai mắc bệnh tim nặng tình yêu ở độ tuổi gần đất xa trời, vẫn muốn sống thêm, yêu thêm bên người tình mùa đông, trên thế gian này, một, hai kỷ (12 năm) nữa!... 
Và tôi gọi nó là bản Tình ca U70.
Vậy, Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này xúc động và hay cụ thể như thế nào?
Dưới đây là một vài cảm nhận và phân giải chủ quan của kẻ đọc vụng về này. 

1.     Về Nhan đề, thể thơ, kết cấu, giọng điệu, nhịp điệu

Nhan đề của bài được rút từ câu thơ dung dị, quan trọng nhất (câu đinh), xuất hiện ở vị trí cuối cùng, khái quát không chỉ 1 khía cạnh chủ đề tư tưởng bài thơ mà còn hé mở nguồn gốccảm hứng của Diệu Sinh. 
Thi cảm đã được khơi dậy, thăng hoa từ một sự việc tuồng như nhỏ nhoi, chẳng có gì đáng nói: Hằng ngày, mỗi buổi sáng (hoặc chiều) vợ cùng chồng rủ nhau xuống phố, ra bờ Hồ (Tây, Hoàn Kiếm, Thuyền Quang?, hoặc vào công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất?)... dạo chơi thư giãn, thanh thản, đầm ấm, một hình thức rèn luyện thể dục nhẹ nhàng vừa sức của không ít anh chị cao tuổi Hà Nội vài chục năm nay. 
Trong hình dung, tưởng tượng mơ màng của tôi: Đó là cảnh hai ông bà lão U70, U80 đi sát bên nhau; ông tựa nhẹ vào vai bà; bà nhìn ông âu yếm, động viên, khích lệ. Hai người khoan thai, chậm rãi bước, lặng lẽ nhìn hàng cây, hồ nước, những người dạo bộ chung quanh, đồng hành, ngược chiều, với vẻ mặt an nhiên, thư thái. Thi thoảng, bà lại nói với ông một câu gì đó, tiếng khẽ khàng, dịu dàng, chỉ đủ để ông nghe. Ông cũng nhè nhẹ gật gật đầu, miệng hơi mỉm cười... Đến một cái ghế đá đôi kê bên bờ hồ, bà khéo léo đỡ ông, cả hai ngồi xuống nghỉ. Ông có vẻ mệt mỏi. Bà khẽ khàng: - Dựa vào vai tôi, mình ạ! Ông nghe lời, tựa nhẹ lên bờ vai của bà. Bà lại đưa tay, nói: - Nắm chặt tay tôi, mình ạ! Ông nhìn bà, ánh nhìn đầy âu yếm, dịu dàng và thương yêu... Cả hai lãng đãng nhìn ra phía Tháp Rùa, phía Trúc Bạch, Quán Gió... Hồi ức trong tâm hồn thơ nơi bà chợt dạt dào dâng lên từng đợt, kết thành những câu thơ tự do: câu ngắn, câu dài nối nhau lăn tăn vỗ nhịp như từng đợt sóng hồ vỗ bờ dưới chân... Gần nửa giờ nhanh chóng trôi qua, bà quay sang ông, thầm thì: - Ông đã thấy thoải mái chưa? Ta đi tiếp nửa vòng nữa rồi trở về chứ? Khi ấy, trong tâm tưởng của bà, bỗng hiện hình câu thơ kết: Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này! Ông lại cười, nụ cười sao mà hiền, mà lành, mà hóm, mà thương: - Khỏe rồi! Nào ta đi!...
Tôi nghĩ chính cảm xúc bất ngờ, tứ thơ bất chợt và tình cảm tự nhiên nhi nhiên, chânthành nhất mực ấy đã hòa với tâm thức, xui Hạt Cát lựa chọn thể thơ tự do, toàn bài hầu như không chủ ý gieo vần, nhưng lại rất ăn ý, tương hợp với nội dung và xúc động trong và sau cuộc thả bộ dạo chơi của hai vợ chồng, song hành với dòng suy tư, liên tưởng miên man, hồi ức, hoài niệm đắm đuối về mối tình của họ, kể từ buổi thanh xuân, môi hồng má đỏ cho tới hôm nay đang vào tuổi lá nhặt cuối chiều
Kết cấu bài thơ nương theo dòng cảm xúc chập chờn giữa hiện tại và quá khứ xa gần, đứt nối với một tương lai gần đang chờ đón họ. 
Dòng thơ - dòng tình cảm, nghĩ ngợi dường như cứ muốn kéo dài, trải rộng ra, không muốn dừng lại cho đến lời tự nhắc mình, lời nhắc nhau cuối cùng: Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này!  trong tâm thế tự tin, bình thản, thảnh thơi và dung dị. Những điệp ngữ: mình ạ, mình ơiđược láy đi láy lại nhiều lần đầu và cuối các khổ thơ, một cách chủ ý có thể khiến người đọc lầm tưởng đó là lời đối thoại giữa bà với ông. Nhưng thực chất bài thơ trữ tình vẫn chỉ là lời độc thoại thầm thì, lời độc thoại nội tâm tự vang lên trong óc tim nhân vật – chủ thể trữ tình - người vợ yêu chồng đang gắng gỏi trào tuôn, giãi bàydiễn tiến tâm trạng của mình với chính mình... mà thôi!
Nét độc đáo tạo thành ấn tượng đầu tiên trong thức nhận của tôi về bài thơ này là:
Tứ thơ chân mộc, giản phác, sâu sắc một cách tự nhiên, trĩu nặng nghĩa tình biểu hiện trong một kết cấu tưởng chừng dễ dãi, tản mạn bên ngoài mà chặt chẽ, tập trung tự bên trong, từ chieuf sâu tâm trạng; là giọng thơ điềm đạm, thanh thản, nhip điệu từ tốn, tĩnh mạc tương thích với song lão uyên ương tốt phúc trời cho bên nhau như chim liền cánh, cây liền cành. Rất ít vần mà câu thơ không gợn một mảy trúc trắc; ngược lại, vẫn nghe trong từng đoạn, từng khổ, từng câu những âm giai nhạc thơ ngân nga, bổng trầm, nhặt khoan, vang vọng, một thứ nhạc của tình yêu bất chấp tuổi tác, thời gian, khi êm êm, trầm, chậm, khi réo rắt tự sâu thẳm hai tâm hồn cùng chung nhịp đập.

2.    Về những thi hình, thi ảnh và thi cảm cụ thể:

Khổ 1: (Dựa vào vai tôi... dung dẻ dung dăng...”).
4 câu đầu là 2 lời, 2 lần nhắc ông lão của tôi một cách hết sức tình cảm, tình tứ, đầy thương yêu, dịu dàng đến mức nâng niu, gượng nhẹ. Hai tiếng mình ạ hơi chùng xuống và vuốt dài âm cuối như còn vấn vương đến tận bây giờ, một thói quen nũng nịu, lễ phép với chồng, duyên dáng tự thuở mới phải lòng nhau, mới về làm dâu nhà ông ấy, của người vợ đảm tào khang, tấm mẳn...
Mở đầu và thống nhất cho tới cuối bài một lối xưng hô thường gặp của không ít cặp vợ chồng đã đề huề, xum xuê con cháu: Mình - tôi, Ta: thân mật, đầm ấm, đằm thắm mà cẩn mực, kính trọng nhau, tương kính như tân, như khách, rất phương Đông, rất Hà Nội, Việt Nam. Và mở đầu cho dòng liên tưởng, hồi cố xa xôi tới tận thời kỳ ấu thơ, khi cả đôi còn là hai đứa trẻ con dung dẻ dung dăng trong những trò chơi bất tận...
Khổ 2: (“Mình nhìn xem... cùng bay”)
Lạ một điều là theo lô gich tư duy và hướng phát triển của tứ thơ, tưởng chừng khổ 2 phải tái hiện ngay những kỷ niệm thời ấu niên của hai người. Nhưng không, thật bất ngờ và thú vị, tiếp theo lại là cảnh hiện tại hòa với cảnh và những ý nghĩ thoáng hiện về tương lai:
Hình ảnh  lúa trăng đậu trên mái tóc mình óng bạc là thi hình ẩn dụ sáng tạo, khá mới mẻ. Bởi nó kết nối khéo léo và đầy gợi tả, gợi cảm giữa dĩ vãng và hiện tại, cảnh vật thiên nhiên quen thuộc với con người thân yêu, qua cái nhìn tinh tế của người thơ. Động từ đậu biến những hình ảnh, sự vật nửa thực nửa ảo ấy trở thành hoàn toàn hư ảo, bồng bềnh trong hồi ức và tưởng tượng.
Hình ảnh:..lưng trời cánh hạc/Rủ chúng mình cưỡi gió cùng bay
đẫm chất Đường thi (Vương Bột: Lạc hà cô lộ tề phi, thu thủy trường thiên nhất sắc..., Thôi Hiệu (Hoàng hạc lâu), nhưng lại kéo được cái uyên ảo xa xưa nhập hòa cùng cái gần gụi, thương yêu bây giờ. Đó là chỗ khéo, tài và cái tình của người viết.
Lưng trời cánh hạc/ rủ chúng mình cưỡi gió cùng bay chính là lời vẫy gọi hạc giá tiên dutừ Đài hoá thân hoàn vũ sang thế giới không màu vĩnh viễn vừa hối hả vừa giục giã. Người nghe cũng thiết tha, nhẹ nhàng và sẵn sàng đón đợi.
Khổ 4: (“Mình ơi, sáng nay... trộm khát khao”)
 Từ vị thế tương lai sắp sửa giã từ cõi thế thoắt lại trở về hiện tại cụ thể (sáng nay, nắng hồng đọng trên môi mình thật đỏ) chen cùng hình dung quá khứ (cặp môi ngày nào mọng đỏ). Có lẽ đã lâu lắm, người vợ mới dám tự hé lộ niềm khát khao yêu đương thầm kín của mình từ thời thiếu nữ ngây thơ: (cả đời tôi trộm khát khao). Thì ra đến tuổi này mà vợ yêu chồng vẫn chỉ là chuyện buồng the kín đáo; chỉ dám trộm khát khao! Nỗi niềm canh cánh ấy, khát khao sẻ chia và hưởng thụ hạnh phúc cực kỳ chính đáng ấy, biểu hiện ra bên ngoài như thế, đáng phục hay là đáng thương, hở bạn thơ đáng quý?! Tôi cũng trộm nghĩ, rằng chẳng qua điều đó có lẽ xuất phát từ tính cách – tâm hồn của mỗi con người.
Tôi ngờ rằng khổ 5: (“Mình ơi, ngàn vì sao... suốt đời tôi”) 
là khổ thơ thuần mộng ảo, tưởng tượng lãng mạn, chắp cánh và thơ hóa, trẻ hóa, thanh xuân hóa đôi mắt, màu mắt và ánh mắt của người chồng, trong cái nhìn chứa chan tình yêu thủy chung vô bờ và sự ngưỡng mộ không cùng của vợ. Những thi ảnh - thi hình đăng đối được thi vị hóa bằng 2 so sánh lối phủ định - phiếm chỉ và liên tiếp tăng cấp 2 lần, theo mô hình:    không có X nào như Y, không có X nào như thế, như Y.
Qua đó, khẳng định một xác tín mạnh mẽ, quyết liệt, bất chấp quy luật sắt thời gian. Quy luật Tình yêu sẽ chiến thắng quy luật Sinh  - lão – bệnh – tử
Nhưng người đọc đều biết đó chỉ là khát vọng chủ quan nồng nàn, cực đoan đến mức bất chấp quy luật khách quan của những người đang yêu say đắm đuối; một cảm thức chủ quan ngây thơ, và rất đáng yêu!
Khổ (đoạn) 6: (“Nào mình ơi... đuổi hoa bắt bướm”) 
gồm 10 câu thơ xen kẽ những câu 8 tiếng, 5 tiếng khá đều đặn kể - tả, trở về với hiện thực đời thường, chồng khoác tay vợ trong một buổi chiều Tết (mồng 1, mồng 2, ... gì đó) cùng thả bộ, dạo quanh những con phố thân quen. 
Nhưng đến câu: tôi đưa mình về tuổi thơ bình yên cho tới hết đoạn thì cả hai lại tiếp tục đắm chìm về quá khứ thời đi học, thời đuổi hoa bắt bướm. Tuổi thần tiên giàu mộng mơ nên mới ngắm Cột Cờ vòi vọi trong mây. Chứ bây giờ có lẽ cả hai chỉ thấy ngọn Kỳ đài bên đường Điện Biên rêu phong trầm mặc! 
Tuy nhiên, ý đoạn thơ này, đặt trong mối tương quan toàn bài, theo tôi, bị trùng lặp với khổ 2; Nhưng xét từ góc độ tâm lý người già thường thích hướng về quá khứ, quanh đi quẩn lại chỉ thích kể mãi chuyện... ngày xưa, thì lại phù hợp với logich ấy. 
Khổ 8 : (“Qua rồi, mình ơi!... mình ạ!”)
Vang lên như những tiếng thở dài tổng kết và chia sẻ: bao vận hạn, gieo neo, trắc trở, tai ương, loạn lạc... tất cả đã qua rồi! May quá! Trời còn thương nhà mình! Nhịp thơ ngắt từng câu ngắn: 4, 3, 2 tiếng như muốn thể hiện  cảnh vợ chồng cùng nhau điểm lại từng khúc đoạn của đời sống gia đình, trải hơn nửa thế kỷ bươn chải mưu sinh, tồn tại.
Khổ 9: (“ Đủ cánh lông... Còn lại Mình và Tôi”):
nhắc đến những đứa con ruột thịt nay đều đã đủ lông đủ cánh, trường thành, tách khỏi tổ ấm gia đình - ngôi nhà chung của cha mẹ, ra ở riêng, lập nghiệp. Bởi vậy, chỉ Còn lại Mình và Tôi, viết hoa chữ M và T: phải chăng là một cách khẳng định, nhấn mạnh lần nữa 2 quy luật cơ bản của cuộc sống gia đình truyền thống và hiện đại: Mỗi gia đình (1 tế bào xã hội) Việt Nam hôm nay phổ biến chỉ bao gồm 2 thế hệ (bố mẹ và các con). Ông bà (cha mẹ) trở lại thời son rỗi: chỉ còn mình và tôi, phải / được hưởng một thời kỳ hạnh phúc hay cô đơn (bất hạnh) mới?!  Và quy luật vĩnh viễn: Con thương cha không bằng bà thương ông!
Đó không chỉ là hiện thực xã hội của các gia đình Việt Nam, châu Á mà là hiện thực xã hội và gia đình mang tính toàn cầu, trong hiện tại và tương lai.
Các cụ nhà ta đúc kết kinh nghiệm nhân sinh quả là sâu sắc, thâm thúy!
Khổ 10 – khổ kết (“Mình của Tôi... hết cõi đời này”)
Không có gì thật đặc sắc, mới mẻ về ý tứ mà chỉ đóng vai trò nhấn mạnh, như một điệp khúc vươn tới cao trào, làm coda kết bài trong một ca khúc. Được nhất, đọng nhất, tình cảm, ý chí, nghị lực nhất là câu thơ cuối cùng, vang lên như một lời hứa hẹn, một niềm tin sắt son của hai trái tim làm nên một mối tình, một tình yêu thủy chung son sắt, suốt đời.
                                                              ***
3.    Kết mở

Trong cảm luận của tôi: bài thơ của Diệu Sinh tất nhiên không phải là vế đối tạo nên từmột tình huống hài hóm để chọi lại viên sứ Tàu xưa
Đình tiền túy tửu phụ phù phu (Trước sân, say rượu, vợ dìu chồng)!
Ta dìu nhau đi hết cõi đời này ... của Hạt Cát khái quát hóa, hình tượng hóa, thơ hóa từ một hiện thực đời thường, trong cuộc sống sinh hoạt vợ chồng hôm nay. Bài thơ thể hiện tình cảm vợ chồng song lão hưu nhàn một cách  giản dị, thành thực và ung dung; xứng đáng là một trong những khúc tâm tình thủ thỉ của người phụ nữ đảm đang, vén khéo, vừa khéo chiều chồng vừa giỏi nuôi con, nhân hậu, tài hoa, đa tình Hà Nội. Bài thơ là bản hòa ca ấm áp, dìu dặt nghĩa tình vợ chồng vắt ngang 2 thế kỷ XX - XXI
Đọc Ta dìu nhau..., tôi lại nhớ và càng yêu thêm bài Thơ tình tặng vợ của cố thi nhân Hồ Dzếnh, đặc biệt nhớ 2 câu đầu nêu bật vai trò 4 trong 1Mình vừa là chị, là em/ Tấm lòng ngườimẹ, trái tim bạn đời... và 2  câu cuối hài hòa chung riêng:
Cuộc đời đâu phải phù sinh!
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!
Nếu cho rằng Thơ tình tặng vợ là một bài thơ nịnh vợ khéo, đẹp và hay, thành thực vào bậc nhất nửa sau thế kỷ XX thì cũng có thể coi Ta dìu nhau đi hết cuộc đời này là bài thơ nịnh chồng đứng không dưới bậc thứ hai, tỏa sáng ở đầu thập niên thứ 2 thế kỷ XXI, hiểu theo nghĩa đùa vui, hóm hỉnh, tích cực, tốt đẹp nhất của động từ nịnh... Chứ sao?! 
Bài thơ của Bùi Cửu Trường nữ sỹ tuy chưa thật cô đọng, hàm súc và gợi dư ba bằng   4 cặp lục bát của cụ Hồ Dzếnh; nhưng cũng đủ tâm, tầm và sức để tỏa lan sự thấu thị, đồng cảm, thấu cảm sâu xa tới người đọc, nhất là đối với lớp cao tuổi như chúng tôi - những người đang mang trái tim già nua, yếu mỏi mà vẫn cố gắngvà quyết tâm nâng niu, ôm ấp mối tình già, đà đưa cùng bà lão  em yêu nhà tôi, dù cho con mắt đã đục mờ và chẳng còn có đuôi! (Tình già – Phan Khôi)./. 

Trèm – Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Hạ tuần tháng  10 năm Đinh Dậu (2017). ĐV
Tác giả gửi bài

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

BẺ ĐÔI

BẺ

Bẻ gió chia thành hai nửa
Nửa này em cất phần anh
Nửa kia thổi nùn nhóm lửa
Nấu cơm canh thật ngon lành.
Ngậy thơm tương bần quê mẹ
Xanh non rau muống ao nhà
Tranh nhau giòn tan cà pháo
Thèm thuồng cá lẹp khế kho...

Bẻ mưa chia thành hai nửa
Một nửa dành để cho anh
Hãm nước chè tươi chát ngọt
Bát sứ lồng khuôn trăng xinh
Mủm mỉm môi hồng hé nụ
Trộm nhìn...mắt ánh long lanh
Một nửa ngược về ngọn suối
Mịn mềm rêu rong thanh bình.
*
Em muốn bẻ đôi quen lạ
...
Hình như chả được đâu, Anh!
Tình mình không chia hai được
Ngập tràn như biển biếc xanh
Đời mình không chia hai được
Thân thương như mặt đất lành.

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

LẠI XA

LẠI XA

Lại xa mút cánh chim bay
Lại vò nát vụn gió ngày, mưa đêm
Lặng chiều giông chợt nín im
Mịt mù đêm đắm vạn niềm xôi xa...

Chợt nghe run rẩy tiếng gà
Trăng thượng tuần chợt nhoà nhoà vòm sao
Chợt thu vàng lá xạc xào
Khuya mang mang chợt cồn cào nỗi khuya.

Ai trống tênh nỗi đi về? 
Cánh mây ai quẩn bốn bề hư không? 
Thắt lòng ai những ngóng trông? 
Bồn chồn ai những chờ mong đêm ngày? 
Tình ai mỏng, nghĩa ai dày? 
 Khát khao ai lạnh vòng tay đợi chờ? 

... Lô xô con sóng giả vờ
Xui thu vàng nhặt nắng tơ nhen tình.

Hat Cat 
27/10/2017

THU ĐÊM

THU ĐÊM

Ngồi buồn vợt đốm sao sa
Hay... cùng bơi ngược Ngân Hà.
Nhé ai!

... Toé tung sáng, vệt ngắn dài
Vịt khuya vẫy sóng mé ngoài bến đêm.

Về đi, về nhé! Cùng em
Hái trăng vàng ngoắc ngoài thềm chơi chung
Thả hồn vút chốn mông lung 
Vơi đầy nghiêng chén rượu hồng ngất ngây
Thung thăng tay lại nắm tay
Tình muôn năm chuốc tỉnh say cõi người...

Loay hoay ngọn gió rối bời 
Gom ngàn sao thắp lửa soi đuốc vàng.

Hat Cat
28/10

THƠ TÌNH VIẾT GIỮA BÃO GIÔNG

( Lời cáo lỗi : Suốt mật thời gian chạy “ sô” giữa các nơi có người bệnh... khi có mạng thì không đủ sức post bài. Các bạn thứ lỗi ) 
Giờ điwx rồi, Cat lại về 

THƠ  TÌNH VIẾT GIỮA BÃO GIÔNG

Thơ tình viết giữa bão giông
Gửi giằng giật những thẳng cong, vơi đầy
Đất đêm trộn lẫn trời ngày
Ngắn dài kiếp kiến, mỏng dầy phận ong.

Thơ tình viết giữa bão giông
Gom cuồng phong cuộn vòng vòng cõi mơ

... Đã bao giờ, có bao giờ? 
Ai vùi sấm chớp vào thơ gửi tình
Ai neo  nước cả, sóng duềnh
Cho thẳm sâu phút yên bình trả vay.
Cho vàng trăng tựa gối mây
Cho tàn đông chút cuối mày, đầu môi?
...
Dịu xuân, nồng hạ.
Rồi thôi!
Tình bão giông
 trả 
cho đời bão giông.

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

THU

THU VU VƠ

 Rớt giọt thu vô thanh
 trên vu vơ tâm tưởng
lặng lẽ khắc hình anh
vào ngọn nguồn gió chướng

Thu hỏi em đi đâu?
Em về miền vô định
mang theo mối tình đầu
đến thẳm sâu định mệnh.

Thu em về chơi vơi
 xạc xào vàng thảm lá
Thu anh về cuối trời
đượm hương tinh thắp lửa.

Tình ngàn trùng đôi ta
lối khuya - trăng bóng lẻ
vương sương hạt nhạt nhòa
bờ cỏ - sao mặt lá 

Thu côi cút heo may
Se se chiều đôi ngả.

Mai ai về xứ lạ
Đừng quên bóng sầu thu!

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

LẶNG LỄ THU ĐI

LẶNG LẼ THU ĐI

Rồi mai thu lặng lẽ đi
Chiều vàng võ...
Liệu còn gì trong nhau? 
Nghĩa tình dầy mỏng nông sâu
Cớ sao vò đến nát nhàu mới cam? 

Rồi mai thu cũng úa tàn
Nụ heo may rớt toạc bàn tay đau
Lần hồi gom chút xưa sau.
Nào ngờ sóng cả, nhịp cầu chia hai.

Thu mưa trộn lẫn sương mai
Trong veo dòng lệ... Ngắn dài sợi mây
Bờ môi chợt đắng chợt cay
Chớp mi từ tạ mỏng dầy sắc thu.

Nghẹn ngào lòng bặt lời ru...

VU VƠ THU

VU VƠ THU 

Ta mượn trăng về treo gác thu
Gác thu mơ màng
Hồn thu ánh.

Ta mượn heo may gió lạnh
hững hờ
đỏng đảnh 
Thu 
Nghiêng chao.

Ta mượn mưa về tắm thu trăng đào
Mưa như thạch 
Hằng Nga run lạnh
trong veo
 mướt rêu
bộn bề thu xiêm áo.

 Chợt 
Tình trăng dòn pháo.
Rộn thu .






Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

NỖI NHỚ TRÒN TRĂNG

NỖI NHỚ TRÒN TRĂNG

Tròn trăng ta lại nhớ mình
Biền biệt nghĩa.
Xôi xa tình.
Tình ơi! 
Chiều quơ sợi nắng cuối giời
Vét tà dương lửa hà hơi sưởi tình...

Gói trăng, ta gửi cho  mình! 
Kết mây, ta thả thuyền tình ta chơi
Tấc gang ngược, vạn dặm xuôi
Ngọt ngào sông gọi biển khơi nước về.

Heo may thu đắm giấc mê
Tròn trăng.
Đêm tãi vào khuya nỗi niềm.

TRÀ NGUỘI

TRÀ NGUỘI

Trà nguội rồi 
lạnh ngắt
Uống hay là... ?
Chén trà hanh màu mật 
vẫn trà.

Trà nguội rồi
hương  mất
Chén trà vẫn hanh vàng sắc mật
vẫn trà.

Uống hay là...?
Ta.

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

HÃY YÊU, YÊU NỮA ĐI MÀ...

HÃY YÊU, YÊU NỮA ĐI MÀ! ...
-------------------------
HẠT CÁT 

Hãy yêu, yêu nữa đi mà...
Cho tình đông nối xôi xa duyên đoài 
Trúc mai hò hẹn trúc mai
Lời yêu mướt lọn sóng dài lô xô
Xe hoàng hôn dệt gối mơ
Ngậm trăng giọt ngọt ngào chờ bờ môi.

Muộn chiều ai hết đơn côi
Hừng  đông ai lại bồi hồi cỏ hoa

Hãy yêu, yêu nữa... đi mà...
Kiệu loan Song mã rước ta về mình
Gió đòng đưa chuyện giao tình
Mây ngũ sắc, biển nõn xanh xuân thì.

Ấp e lối cũ ai về
Xuân mưa
Tình cởi áo che cho tình
Hồn xuân chín cõi bồng bểnh
Nợ xuân buộc chặt duyên mình,duyên ta...

Hãy yêu, yêu nữa đi mà...

Hat Cat 
22/09/ 2017
------------------------

BÙI KIM ANH

Hãy yêu, yêu nữa đi mà
tóc thêm bạc tóc tuổi già thêm tăng
ta giờ đã cuối tuần trăng
yêu thêm lần cuối e răng chẳng còn
chờ người lâu đã mỏi mòn
xem ra ngày cuối đã mon men gần
liều yêu dù đã yếu chân
thì ta chống gậy bất cần cười chê

đã liều liều gớm liều ghê
mặc thiên hạ mặc sắp về non yên

(Bùi Kim Anh ) 
23/09/2017

-------------------------------
 TÂM TÂM VŨ 

Nào thì yêu!
Nào thì yêu!
Dẫu là lần cuối cũng liều một phen
Không yêu thiên hạ bảo hèn
Mất công yêu, phải bõ bèn mới yêu!

Yêu cho núi đổ rừng xiêu
Yêu cho lá rụng lại leo lên cành
Yêu cho vũ trụ tan tành
Yêu cho trái đất lại thành hồng hoang
Yêu cho trái cấm Địa Đàng
Văng đi hạt táo chắn ngang họng người
Yêu cho biển cạn, đá trôi
Yêu cho tắt cả mặt trời, trăng, sao...
Yêu cho mưa thét gió gào
Động đất, núi lửa phun trào khắp nơi... 

Hãy yêu, yêu nữa... người ơi
Hãy yêu lần cuối để rồi... Khỏi yêu!

(Tam Tam Vũ )
22/09/2017
---------------------------
NHẬT THÀNH 

Hãy yêu, yêu nữa...  đi mà...
Ta với mình, mình với ta có còn...
Yêu cho lở núi sập non
Yêu cho sông cạn đá mòn mới thôi
Yêu cho đất lở lại bồi
Yêu cho cây lại mọc chồi đơm bông
Yêu cho đôi má em hồng
Yêu cho đôi mắt cứ long lanh hoài
Yêu cho quên cả ngày mai
MÌNH - TA đi đến cuối trời vẫn yêu!

( Nhật Thành)

23/09/2017

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

TRẢ THÔI, MỘT KIÉP OAN KHIẺN

TRẢ THÔI, MỘT KIẾP OAN KHIÊN

Núi cao
vẫn thấp hơn trời
Sông sâu
không đặng biển khơi mỏng dầy.

Oan khiên cũng một kiếp này
Trả cho sòng những nợ vay cõi đời
Bạc vàng là của giời ơi, 
Dù mua khóc,  
lại bán cười 
một khi.

Tay nắm bấc, tay hòn chì
Hoả mù bít kín lối về gai chông
Vén môi thánh tướng như rồng
Lên trời một tấc ... cứ vung tán tàn.

Nổi điên xua chó cắn càn
Nháo nhào mẹo dối,  mưu gian doạ đời.

Khôn ngoan chả lại với trời 
Trăm năm bia đá, miệng người ai quên.

Trả thôi, một kiếp oan khiên
Tểnh tênh nhẹ bước xuống thuyền vô uu! 

21/09/2018













Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

EM VỀ

EM VỀ

Em về… 
       … Ừ nhé!
                   Em về…
Cơn giông đã đợi bên kia mố cầu.

Quay cuồng gió quật tàu cau
Tả tơi gió táp giàn giầu lật nghiêng
Mưa giăng nhòa nhạt bóng em
Xoáy tròn lốc cuốn dọc triền đê cong.

Cách xa đâu chỉ cơn giông
Gần nhau đâu chỉ xanh đồng ngô non!
Dấu yêu từng nét giận hờn
Se sắt gió, ngỡ ngoài hiên ai về.


Ngọt ngào đêm những giấc mơ
Bồn chồn đêm những đợi chờ đơn côi.
Mênh mông đêm tôi với tôi
Mong manh em giữa cõi đời chông chênh.

Tôi lênh đênh, em lênh đênh
Xác khô thuyền lá bập bềnh mặt sông…
Nghiệp duyên ai đợi, ai mong?

Em về.
       Hóa đá
               Tôi trông 

                           Em về!